Chuyển tới nội dung
Home » News » Quản trị » [ Trích dẫn ] Thuật lãnh đạo

[ Trích dẫn ] Thuật lãnh đạo

Lãnh đạo không nhất thiết phải là người học rộng, nhưng nhất thiết phải là người có năng lực. Họ phải biết lựa lời với cấp trên, phải nghiêm khắc mà độ lượng, ân cần niềm nở với cấp dưới, phải động viên tinh thần cộng sự; phải biết tùy cơ ứng biến, nhanh nhạy khôn khéo với đối phương; phải biết tranh thủ những người ủng hộ; đồng thời đặt mình vào vị trí của những người phản đối mình để tìm cách thu phục họ… Bồi dưỡng tố chất lãnh đạo không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều, mà cần phải tích lũy qua thời gian. Người lãnh đạo phải không ngừng học tập để nâng cao năng lực và rèn luyện tố chất của mình. Trau dồi kỹ năng một cách đúng đắn là chúng ta đã thành công được một nửa. Một nửa còn lại chính là việc chúng ta áp dụng được vào thực tiễn những gì mình đã học.

  • Mục tiêu – Có mục tiêu mới có phương hướng và động lực

Mục tiêu giúp bạn biết cái đích phải đến và thúc giục bạn tiến lên. Khi nỗ lực thực hiện mục tiêu, bạn sẽ thấy tự hào về bản thân mình. Cùng với thời gian, khi bạn lần lượt thực hiện được các mục tiêu, tư tưởng và phương thức làm việc của bạn cũng sẽ thay đổi. Mục tiêu của bạn phải thật cụ thể và có khả năng thực hiện. Đây là điều rất quan trọng. Bởi nếu một kế hoạch được đưa ra không cụ thể, không xác định được có khả thi hay không thì sự tích cực của bạn sẽ bị giảm đi đáng kể vì bạn không biết mình còn cách mục tiêu bao xa.

Thành công chính là thiết lập mục tiêu rõ ràng và thực hiện mục tiêu đó bằng nỗ lực của bản thân. Nhưng có không ít người trong quá trình thực hiện mục tiêu lại bị những việc khác thu hút sự chú ý, để rồi liên tục thay đổi mục tiêu, cuối cùng họ đã đánh mất mục tiêu ban đầu của mình.

  • Hành động – có mục tiêu đúng phải hành động ngay

Khi mục tiêu đã được thiết lập, người lãnh đạo phải hành động ngay, thậm chí là làm việc không ngừng nghỉ. Khả năng hành động ngay cũng như khả năng giỏi sắp xếp kế hoạch hành động là điều rất quan trọng trong thành công của bất kỳ cá nhân nào. Nếu thiếu đi khả năng đó, cho dù mục tiêu của bạn có tốt đến đâu, bạn cũng rất khó có thể thực hiện được. Chúng ta hãy hành động trước, sau đó sẽ dần hoàn thiện bản thân trong quá trình hành động. Hành động có tác dụng khích lệ chúng ta, đó là biện pháp có hiệu quả để đối phó với tính lười biếng.

Kinh doanh giống như đánh bạc, tính rủi ro rất cao. Cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau. Chúng ta phải luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội bất cứ khi nào nó xuất hiện. Sau khi nắm bắt được cơ hội, nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn, vì thế chúng ta phải luôn cẩn thận, phải luôn sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra và giành chiến thắng. Những người không dám mạo hiểm là những người không thể có được thành công. Đó là chân lý bất diệt. Nếu cơ hội thành công và thất bại là ngang nhau, vậy chúng ta hoàn toàn có thể thử lại lần nữa sau khi thất bại. Chúng ta thường có thói quen kéo dài thời gian khi làm một việc gì đó, và thường thích hưởng thụ trước khi bắt tay vào hành động. Việc kéo dài thời gian như vậy sẽ dẫn đến thất bại. Lấy lý do chưa chuẩn bị đầy đủ để không hành động sẽ chỉ làm kế hoạch của chúng ta bị chậm trễ và đánh mất cơ hội mà thôi. Trong hoàn cảnh đó, cách tốt nhất là tận dụng những điều kiện đã có để bắt đầu hành động, vừa hành động vừa tìm kiếm hoặc đợi chờ điều kiện chín muồi. “Không phải là tôi không muốn hành động mà là hành động cũng không có ích lợi gì, vậy thì còn hành động làm gì nữa?”. Trên thực tế, hành động không lúc nào là muộn. Có thể trước đó chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội, điều kiện tốt, nhưng trong tình huống đó, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là hành động. Mục đích của hành động là tìm lại những cơ hội và điều kiện đã mất để bù đắp thiệt hại và sai lầm, để công việc quay trở về trạng thái bình thường.

  • Tự tin – Tin rằng mình làm được thì sẽ làm được

Sức mạnh lớn nhất xuất phát từ chính chúng ta, kẻ thù lớn nhất của chúng ta cũng chính là chúng ta. Nếu bạn nghĩ rằng: “Tôi làm việc gì cũng thất bại. Tôi là một người vô dụng” thì chắc chắn bạn sẽ không thể thành công khi làm bất cứ việc gì. Trong cuộc đời, mỗi con người đều trải qua không ít lần thất bại, và cũng có nhiều lúc thành công. Nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ nghĩ đến thất bại, chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua được nó. Kẻ thù lớn nhất mãi mãi là chính chúng ta. Vận may và vận đen một nửa là do ngẫu nhiên, một nửa còn lại là do con người. Sau khi tiến hành điều tra đối với một người có vận may trên thương trường, người ta đã phát hiện ra rằng người đó thuộc kiểu người không bảo thủ, biết thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Vậy thì chúng ta có thể thấy rằng, kẻ thù lớn nhất chính là sự bảo thủ và tư tưởng luôn nghĩ đến thất bại của chúng ta. Cách nhanh nhất, chính xác nhất để chinh phục nỗi sợ hãi, khống chế sự tự ti, tạo ra sự tự tin chính là làm những việc mà mình thấy sợ, cho đến khi chúng ta có được kinh nghiệm để thành công.

Sự tự tin có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với tiền bạc, thế lực, gia thế, bạn bè. Đó là vốn quý nhất của con người. Tự tin có thể giúp chúng ta khắc phục khó khăn, loại bỏ trở ngại để đạt đến thành công.

  • Kiềm chế – Làm chủ hành vi của bản thân

Khả năng tự kiềm chế là phẩm chất, cũng là thước đo để đánh giá bản lĩnh của một người lãnh đạo. Khả năng tự kiềm chế bản thân bao gồm những mặt sau:

Bình tĩnh khi đối mặt với nguy cơ

Thông thường trong cuộc sống có hai loại người, một là những người vừa gặp phải điều không may mắn thì chùn bước, kêu trời kêu đất. Hai là những người tuy cảm thấy đau khổ vì nghịch cảnh nhưng quyết không chịu đầu hàng. Họ biết rõ rằng, nếu không tự kiềm chế bản thân thì sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Người lãnh đạo cần phải làm được như vậy trước cấp dưới của mình.

Nhanh chóng thoát khỏi tâm trạng tiêu cực 

Trăng có lúc mờ lúc tỏ, lúc khuyết lúc tròn. Con người có phúc có hoạ. Tâm trạng có lúc vui lúc buồn. Tinh thần lạc quan, sự tự tin sẽ khiến chúng ta tràn đầy sức sống, hăng hái, tích cực và tiến tới thành công. Sự bi quan, lo lắng, tức giận, lạnh lùng, thất vọng, ân hận sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực. Nó sẽ làm tiêu hao sức lực của chúng ta, kìm hãm khiến chúng ta không tiến lên được. Nếu muốn thoát khỏi tâm trạng không vui, chúng ta phải dựa vào chính mình. Khi có tâm trạng tiêu cực, chúng ta phải phân tích ngay nguyên nhân hình thành để có biện pháp đối phó kịp thời.

Khống chế cơn giận 

Đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo thường gặp phải. Phương pháp kiềm chế cơn giận có hiệu quả nhất là dự phòng tư tưởng. Tức là phải có nhận thức về con người và sự việc xung quanh một cách rõ ràng, không ảo tưởng và hy vọng. Chỉ khi chúng ta loại bỏ được sự ảo tưởng và hy vọng, cơn giận mới không đến.

Khi ý thức được rằng mình sắp nổi nóng, bạn hãy cố gắng để trì hoãn cơn giận khoảng 15 giây, sau đó hãy nổi trận lôi đình. Lần sau khi bạn cáu giận thì hãy trì hoãn 30 giây. Những lần kéo dài thời gian như vậy sẽ giúp bạn kiềm chế bản thân tốt hơn, dần dần bạn sẽ tránh được những lần nổi nóng không đáng có. Nhẫn nhịn không phải là nhu nhược, mà ngược lại, nhẫn nhịn thể hiện sự tự tin, kiên nhẫn và một hoài bão to lớn.

Người xưa có câu, cao quý không được kiêu ngạo, giàu có không được hoang phí. Khi địa vị và điều kiện kinh tế thay đổi, có người sẽ tự buông lỏng bản thân mình, kiêu ngạo, tự mãn, hoang phí phô trương. Người lãnh đạo phải tự điều chỉnh mình, phải có cách nhìn đúng đắn với danh lợi và địa vị xã hội. Biết kiểm soát bản thân xuất phát từ việc hiểu về những giá trị mình đang có.

Hiểu về người khác đã khó, hiểu về bản thân còn khó hơn nhiều 

Để có thể hiểu và kiểm soát bản thân mình, chúng ta phải tự kiểm điểm bản thân, phải nghiêm khắc để phân tích ưu và nhược điểm của chính mình. Tự kiểm điểm vừa là cách để hoàn thiện bản thân, lại vừa là một đức tính chỉ có thể có được thông qua tu dưỡng, rèn luyện.

Những người luôn cố gắng nhìn nhận mình là những người luôn suy nghĩ thấu đáo trong công việc và cuộc sống. Sẵn sàng kiểm điểm bản thân là biểu hiện của tính tự giác. Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh, vì chúng ta có thể kịp thời tổng kết kinh nghiệm và rút ra bài học cho mình.

Trong cuộc sống có nhiều người không kiềm chế được bản thân, nhất là khi gặp phải việc ngoài ý muốn, họ rất dễ tức giận và muốn giải quyết vấn đề bằng một cơn thịnh nộ. Trên thực tế, động một chút là tức giận không thể giải quyết vấn đề, thậm chí còn làm cho tình hình nghiêm trọng thêm. Đối với một người lãnh đạo từng trải, sự tức giận là biểu hiện của thiếu hiểu biết.

  • Thành tín – Làm người phải thành thực, giữ chữ tín

Người lãnh đạo dù quan hệ với ai, trên lĩnh vực gì, quan hệ như thế nào, thì một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là giữ chữ tín. Trước thực tế khách quan, chúng ta cần dùng thái độ trung thực để phản ánh diện mạo vốn có của sự vật. Phải phản ánh chân thật các tình huống xảy ra, có một nói một, có hai nói hai. Phải ghi chép chính xác lịch sử; phải đánh giá khách quan con người; phải tổng kết trung thực công việc. Nếu trong kinh doanh, bạn thích giở những trò khôn vặt, không trung thực đối đãi với người khác thì sớm muộn gì cũng sẽ nếm mùi thất bại. Dùng sự chân thành, thẳng thắn và nhiệt huyết của mình đổi lấy sự tín nhiệm và thấu hiểu của những người xung quanh. Đối với cấp dưới, với khách hàng, với đối tác mà đều làm được như vậy, bạn sẽ dần dần xây dựng được uy tín cho mình. Có ngày bạn sẽ phát hiện ra uy tín mang lại cho bạn một tài sản to lớn. Trên đời không có quảng cáo nào tốt hơn sự thành thật, giữ danh dự trong lời nói và hành động mới có thể chiếm được lòng tin của người khác.

Người lãnh đạo phải có thói quen đối xử chân thành với người khác, dùng con người chân thật của mình để đạt lấy những thành công trong sự nghiệp. Điểm cơ bản hấp dẫn nhất của một nhân cách hoàn thiện chính là sự chân thành. Đối xử chân thành với người khác, thận trọng giữ tín nghĩa chính là điều kiện tiên quyết cần thiết để lấy được lòng người và thu hút người khác.

  • Tài chính – nắm bắt nghệ thuật xoay vòng vốn
  • Sức khoẻ – sức khoẻ là tiền đề của thành công

THANH XUÂN/DNSG Online

Home
TT Sài Gòn
Đất
Tân Phú