Chuyển tới nội dung
Home » News » Quản trị » Doanh nhân và võ học

Doanh nhân và võ học

Doanh nhân hay quan võ, ai cũng đều cần sức khỏe. Sức khỏe là thứ quan trọng hàng đầu. Rất tiếc là nhiều lý thuyết gia về quản trị hay quên đưa điều này vào các tiêu chí, các yếu tố thành công, các điều kiện cơ bản nhất để lãnh đạo và quản lý. Sách giáo khoa về quản trị kinh doanh cũng ít viết về tầm quan trọng của sức khỏe đối với người lãnh đạo.

Trong võ có văn và trong văn có võ.

Áp điều ấy cho quan văn hay quan võ ngày xưa thì có khối điều hay để bàn. Nào là văn võ song toàn, nào là túi thơ bầu rượu tiêu dao cùng Ỷ thiên kiếm, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, tứ hải giai huynh đệ… Rũ áo phong sương trên gác trọ/Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang (Nguyễn Bính).

Vậy thì doanh nhân và võ học có mối tương quan gì không?

Xin thưa các doanh nhân – những bậc cao thủ võ lâm trên thương trường, trong phạm vi bài viết này tại hạ xin bàn đến hai mối tương quan là sức khỏe và đội ngũ.

Mười thành công lực

Doanh nhân hay quan võ, ai cũng đều cần sức khỏe. Sức khỏe là thứ quan trọng hàng đầu.

Rất tiếc là nhiều lý thuyết gia về quản trị hay quên đưa điều này vào các tiêu chí, các yếu tố thành công, các điều kiện cơ bản nhất để lãnh đạo và quản lý.

Sách giáo khoa về quản trị kinh doanh cũng ít viết về tầm quan trọng của sức khỏe đối với người lãnh đạo.

Sức khỏe là số 1, và không có nó là lùi ngay vào con số kế bên là con số 0 to tướng.

Giàu mà chi nếu chẳng may bị tai biến mạch máu não, bị nhồi máu cơ tim cũng chỉ vì bệnh ghiền công việc… Tham công tiếc việc như bệnh Karoshi của người Nhật là điều ta nên thấy thế mà tránh. Chứ đừng để: Ma đưa lối, quỷ đưa đường/Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi (Nguyễn Du).

Thế sức khỏe là vai u thịt bắp, là sáu múi thay vì một múi to như cái lu, hay sức khỏe là sức khỏe gì?

Có ba loại sức khỏe: sức khỏe của cơ thể, sức khỏe của tâm hồn (tinh thần/tâm sinh thần khí) và sức khỏe quan hệ xã hội.

Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần, xã hội và không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật.

Doanh nhân rất cần trang bị cho mình triết lý sống, luận lý, luận thuyết gồm nhân sinh quan và thế giới quan, và điểm thứ tư là bản lĩnh. Điều này cũng tương tự với môn sinh võ học, dù là thuộc môn phái gì thì cũng dựa trên bốn trụ cột: võ triết, võ lý, võ thuyết và võ công.

Cá nhân tập luyện, trui rèn trong thực tiễn để có mười thành công lực, có nội công, khí công, vận công và cả khinh công tuyệt vời. Dĩ nhiên là không phải kiểu tung chưởng (lăng không kình) hay phi thân, bay là là hay cân đẩu vân giống như Tôn Ngộ Không trong phim Hồng Kông.

Mười thành công lực của một cao thủ doanh nhân trong thương trường chính là bản lĩnh, nhân cách, cách làm việc, cách ứng xử và kỹ năng nhiều mặt. Để đạt được mười thành công lực đòi hỏi người đó phải thực sự tu tập để đạt tới cảnh giới cao nhất. Khi mới học thì tay chân ngứa ngáy muốn phô diễn. Bước sang cấp hai, là bắt đầu hiểu được mình, kiềm chế, chỉ khi nào người đánh mình thì mình mới phản ứng lại. Cấp ba, là không muốn tranh chấp, sẵn sàng hạ mình, người ta đánh thì mình xin lỗi rồi lánh đi. Cấp cuối cùng, là có thể cảm nhận được những chỗ hung hiểm, tránh xa những chỗ phải đầu rơi máu chảy (*) dù đã được trang bị đầy kỹ năng và sức mạnh nội tại. Võ sư càng giỏi càng khiêm cung, cực kỳ khiêm tốn tự đáy lòng.

Cũng vậy, doanh nhân giỏi không thể hiện kiểu đại gia thường tình mà là người bình dân rất phi thường. Họ cũng là những người ẩn mình trong bóng tối để làm từ thiện và hoàn thành trách nhiệm xã hội tự nguyện, như hảo hán đại nhân thế thiên hành đạo.

Thước đo cho những con người đó không chỉ là thành công, vì chẳng bao giờ có thành công nối tiếp mãi thành công, chẳng bao giờ có độc cô cầu bại, nhưng họ có ý chí và đức độ, có trái tim, khối óc và đôi tay hành động. Tam âm chân kinh của họ chính là 3H: Heart, Head and Hand. Họ biết học hỏi ở người khác, ở mọi nguồn thông tin, ở những bí kíp do họ tạo ra. Chính đó cũng là hấp tinh đại pháp của Nhậm Ngã Hành trong Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Bí kíp này nằm ở khắp nơi đấy thôi!

Kung Fu trong quản trị

Và bây giờ thì bàn đến chuyện doanh nhân và võ học. Vẫn biết so sánh có đôi chỗ khập khiễng, nhưng cũng nên so sánh cho vui. Trong cái vui có cái thần thái và ánh trăng của thiên đàng và chân lý. Hãy cùng bàn luận thử xem sao.

– Võ học có ít nhất là thập bát ban võ nghệ cổ truyền, thì quản trị học cùng có nào là kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, tài chính, nhân sự, kinh doanh, marketing…

– Võ học hạn chế ra đòn loạn xạ đấm vào không khí, vừa mất sức, vừa mất thời gian và có thể bị hở sườn, chủ quan khinh địch. Phải xác định mục tiêu (ngắn hạn) và mục đích (lâu dài), tránh tuyệt đối chuyện làm tổn thương tinh thần người khác và động thủ chỉ là chuyện bất đắc dĩ (vì thời nay, một viên đạn nhỏ như viện kẹo bằng đồng là đủ để hóa kiếp mọi võ công!). Võ học là để luyện chí và tu dưỡng tính tình. Kết hợp được với nhạc ở trong tâm hồn, cho tâm hồn và vì tâm hồn sáng trong của mình càng tốt.

Doanh nhân cũng thế thôi, thời gian, tài lực, nguồn nhân lực, vật lực đều cần được sử dụng tối ưu, đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đúng việc, với sự linh hoạt cao độ và chuyển bộ khéo léo lúc cần. Doanh nhân đạt tuyệt kỹ võ công khi thi đua thay vì cạnh tranh, khi đón đầu công nghệ – chứ không phải đón đầu xe tăng của lịch sử – thứ sẽ nghiền nát mọi sự lạc hậu, tụt hậu, chậm tiến và làm biếng. Doanh nhân tự thắng mình hơn là thắng người, tạo ra giá trị thay vì ngôi thứ bá chủ võ lâm hay chuyện thống nhất giang hồ!

– Võ học không bị thất truyền là nhờ được kế thừa, nuôi dưỡng và phát huy. Doanh nghiệp cũng nên như thế, nhất là phải quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, nghiên cứu và phát triển (R&D), tránh múa may quay cuồng, tránh sự mất chủ động trong hành động, tránh chuyện thường xuyên đối phó, xử lý tình huống, thích ứng với những bất ngờ mà thiếu tính sẵn sàng và tiên liệu khoa học.

– Võ của người Việt Nam vốn dùng mưu và sự thông minh nhiều hơn là thể lực. Chiều cao và sức nặng của con voi là vậy nhưng nó vẫn thua khi con chuột chạy vào lỗ tai. Con sư tử vẫn có thể chết vì con vi trùng. Võ của người Việt Nam, của cả xấp xỉ 85 môn phái vẫn dựa trên sự hài hòa của nhu và cương, nền tảng khoa học của việc ra đòn, chống trả và tránh hiểm. Màn bái tổ của “Ngọc Trản” là một chứng minh không có động tác thừa. Bài “Tứ Trụ” để nhập môn cũng thể hiện uy vũ nhưng không đằng đằng sát khí. Những bài múa đao học từ Quan Công đều thanh thoát nhẹ nhàng mà vẫn có giá trị thực tiễn cao. Bài song kiếm từ thời bà Bùi Thị Xuân truyền lại vẫn là tinh hoa võ thuật độc đáo của nước nhà. Và cả hồi trống Tây Sơn cũng có thế đọ được với nghệ thuật chơi trống lừng danh của Nhật Bản!

Thế nhưng, Kung Fu trong quản trị không chỉ nằm ở tài năng cá nhân. Đội ngũ trong tổ chức rất quan trọng. Xã hội đã trải qua những phiên bản khác nhau. Từ nền văn minh cơ khí, cơ điện tử, rồi công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đã giúp cá nhân phát triển, tạo nguồn lực kết nối để 1+1 luôn lớn hơn 2 và thậm chí là nhiều lần hơn thế! Vậy thì đội ngũ được chăm sóc, được tổ chức, được tạo sức mạnh cộng hưởng sẽ đánh bại cao thủ độc hành với túi thơ bầu rượu và Ỷ thiên kiếm, đánh bại cả anh chàng cao bồi quen thói anh hùng cá nhân, dù có bắn nhanh hơn cái bóng của chính mình như trong chuyện tranh Lucky Luke.

Kung Fu nghĩa là công phu. Kung Fu của quản trị ngày nay xem trọng quản trị đội ngũ, thậm chí hơn cả quản trị cá nhân, vì đội ngũ bao gồm cả những cá nhân đang trên đường hoàn thiện hoặc không thể hoàn thiện.

Sách vở đã so sánh binh pháp Tôn Tử với khoa quản trị hiện đại. Mạn đàm chuyện võ học và quản trị ở đây chỉ để nhìn thấy tầm quan trọng của sức khỏe và đội ngũ, của “an, định, tĩnh” để đạt được võ công “ra đòn mà chiêu thức của ta dẫn dắt, trả đòn lựa theo hành động của đối tác nói chung”.

Trong văn có võ, trong võ có văn. Có thể văn và võ không cần chữ thương (thương nhân) và chữ quản (chữ quản của quản trị trong tiếng Trung Quốc nghĩa là không để dậy sóng) nhưng hai chữ này lại rất cần có văn và võ. Doanh nhân cần có tinh thần thượng võ và nhân văn!

Home
TT Sài Gòn
Đất
Tân Phú