(TBKTSG) – Colin Powell là một tên tuổi lớn của nền chính trị Mỹ trong những thập niên chuyển từ thế kỷ 20 sang 21. Là đại tướng, Chủ tịch Hội đồng Liên quân (Chairman, Joint Chiefs of Staff), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… ông được kính trọng như một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất và trung thực. Các bài giảng về nghệ thuật và kỹ năng lãnh đạo của ông được giới tinh hoa thế giới tán thưởng, đem lại cho họ nhiều cảm hứng.
Bài viết này thuật lại một phần nội dung một buổi huấn luyện về (nghệ thuật) lãnh đạo dành cho giới kinh doanh Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, năm 2002 tại Hồng Kông. Nội dung chính của buổi huấn luyện là 18 bài học – kinh nghiệm về lãnh đạo được trình bày trong 20 slides mang tên General Colin Powell – A Leadership Primer. Chúng ta biết lãnh đạo hành chính, lãnh đạo quân đội hay lãnh đạo kinh doanh cần những kinh nghiệm và kỹ năng căn bản như nhau.
Trong 18 bài học – kinh nghiệm đó, bốn bài học dưới đây, vào cuối buổi huấn luyện, được đa số các học viên bình chọn là quan trọng nhất.
Bài học 2: “Ngày mà người trong tổ chức ngừng nêu lên các vấn đề với anh, ngày đó anh không còn lãnh đạo nữa. Hoặc họ không tin anh có khả năng, hoặc họ nghĩ anh không quan tâm giải quyết vấn đề. Trường hợp nào cũng có nghĩa anh đã thất bại trong sự lãnh đạo”.
Người lãnh đạo cần là người dễ tiếp cận và sẵn sàng. Do đó, người lãnh đạo cần tạo môi trường làm việc trong đó tinh thần phân tích vấn đề để tìm giải pháp lúc nào cũng sẵn sàng và thay thế cho tinh thần phê phán, trách cứ. Cần quan tâm tới những thách thức các thành viên trong tổ chức đối mặt và các nỗ lực họ đã thực hiện.
Người lãnh đạo cần được mọi thành viên tin cậy. Tin cậy về năng lực, về đạo đức và về tấm lòng vì sự nghiệp chung của tổ chức. Do đó, các giá trị, nguyên tắc, yêu cầu, chỉ đạo cần được trình bày rõ ràng, trung thực. Hơn thế nữa, trong suốt quá trình làm việc, người lãnh đạo phải cho cấp dưới thấy mình theo sát các giá trị, nguyên tắc, yêu cầu, chỉ đạo đó một cách nhất quán và kỷ luật.
Lãnh đạo là nghệ thuật để đạt mục tiêu bằng cách chỉ đường đi hợp lý, tập họp, gắn kết và thúc đẩy các thành viên làm việc hiệu quả. Bạn không cần xuất sắc mọi mặt. Bạn cần được họ nghe theo.
Mỗi khi có một sự việc liên quan tới giá trị hay quyền lợi căn bản của cộng đồng, người lãnh đạo cần tỏ rõ quan điểm và thái độ của mình một cách dứt khoát. Thái độ nước đôi chỉ khiến bạn được cảm nhận là người yếu đuối và không đáng tin cậy.
Bài học 7: “Tìm hiểu vấn đề bên dưới bề mặt. Đây là việc phải làm cho dù anh không thích, hay sợ, các phát hiện”.
Trách nhiệm của người lãnh đạo là hướng dẫn, cần nhìn thấy hay phát hiện cái cốt lõi của vấn đề. Nhà lãnh đạo cần không được chủ quan, dễ bằng lòng với cái đang hiện ra mà cần lắng nghe, quan sát và phân tích khách quan nhằm phát hiện cái nguyên nhân cốt lõi của vấn đề đang cần phải có giải pháp thích hợp.
“Tìm hiểu vấn đề bên dưới bề mặt” còn giúp tổ chức phát hiện các phức tạp sắp xảy ra mà có giải pháp chuẩn bị. Trong một số trường hợp, nó cũng giúp nhà lãnh đạo hiểu hơn giá trị và nhu cầu cốt lõi của cấp dưới (Core Values and Needs).
Sau khi hiểu được vấn đề “dưới bề mặt”, ngay cả không vui lòng, người lãnh đạo cần trung thực chấp nhận và can đảm đối phó.
Bài học 8: “Tổ chức không mang lại thành quả. Kế hoạch cũng không. Lý thuyết quản trị cũng vậy. Thành quả chỉ có được khi lãnh đạo thu hút được những người tài giỏi nhất”.
Người lãnh đạo chỉ dựa một cách lệ thuộc vào tổ chức, vào kế hoạch là người lãnh đạo khô cứng, thiếu tự tin. Người lãnh đạo phải biết dùng tổ chức, dùng kế hoạch một cách uyển chuyển, sáng tạo.
Là người lãnh đạo, bạn cần quên hết các chuyên môn khác của mình để tập trung vào lãnh đạo. Chú ý rằng người tài năng trong tổ chức mới giúp tổ chức đạt mục tiêu. Người lãnh đạo chỉ hướng đi, thu hút, tập họp, động viên người có tài làm việc. Ở đây cần nhắc lại và nhấn mạnh rằng tính trung thực và tinh thần tận tụy vì việc chung, lòng can đảm vượt ra ngoài ảnh hưởng của phe nhóm, là yếu tố thu phục nhân tâm mạnh nhất của người lãnh đạo.
Bài học 13: “Chọn người thông minh, có óc phán đoán, phê bình và quan sát mọi khía cạnh. Cũng chú ý tới tính trung thành, trung thực, khát khao thăng tiến và đạt thành quả”.
Ba điều cần chú ý:
Huấn luyện một người không trung thực làm được việc chuyên môn thì dễ hơn nhiều so với huấn luyện một người giỏi chuyên môn trở thành trung thực. Trong nhiều trường hợp, việc sau có thể xem gần như không thể.
Tố chất trung thành không phải trung thành với một người, một phe nhóm, mà trung thành với mục tiêu, thành quả của tổ chức chung.
Người không có khát khao thăng tiến, không có tham vọng vươn lên thì không thể là người lãnh đạo. Một trách nhiệm lớn của người lãnh đạo là tập họp và thôi thúc các thành viên tổ chức đạt mục tiêu. Tham vọng thăng tiến chính là động lực của mỗi người, đạt mục tiêu của tổ chức là phương tiện. Nếu bản thân bạn không có tham vọng thăng tiến, bạn sẽ không động viên được ai.
Tóm lại, lãnh đạo là nghệ thuật để đạt mục tiêu bằng cách chỉ đường đi hợp lý, tập họp, gắn kết và thúc đẩy các thành viên làm việc hiệu quả. Bạn không cần xuất sắc mọi mặt. Bạn cần được họ nghe theo.
Ngày nào bạn được thành viên tổ chức mang tới những vấn đề cùng giải quyết.
Ngày nào bạn được yêu mến vì tính sẵn sàng.
Ngày nào bạn được tin cậy vì tính trung thực.
Ngày nào bạn được nể trọng vì tính tận tụy cho tổ chức. Vì được cảm nhận rằng bạn đặt quyền lợi của mình, của phe nhóm mình dưới quyền lợi của tổ chức chung. Rằng bạn thuộc về tổ chức chung đó chứ không thuộc về một nhóm nhỏ nào trong đó.
Ngày đó, bạn có đầy đủ cơ hội thành một người lãnh đạo thành công.
Lê Học Lãnh Vân/Theo TBKTSG