Chuyển tới nội dung
Home » News » Quản trị » Nghĩ khi gieo hạt

Nghĩ khi gieo hạt

Cái “chừng nào” của bạn có nghĩa là cơn thèm khát về một ngôi nhà của mình, phía trước có một khoảnh đất nhỏ cũng của mình (không phải suy luận mà chắc chắn: cho dù khoác lên bên ngoài hình hài nào để ngụy trang cho cuộc thiên di, thì bên trong của hầu hết những đứa giống như mình với bạn, dòng máu thuần nông vẫn còn nóng hổi). Rồi trên khoảnh đất ấy, gieo xuống vài hạt cây, hàng ngày mong ngóng chúng nứt vỏ, bật mầm đội đất mà lên. Ai từng ở triền miên trong cơn thèm khát ấy đều hiểu rất rõ cảm giác trồng một cái cây xuống đất-của-mình khác biệt như thế nào so với trồng trong những thùng xốp. Đó là thứ cảm giác an nhiên, bởi chẳng phải lo lắng về ngày mai hoặc ngày mốt lại tiếp tục cồng kềnh dọn đến nơi trọ mới trong khi mớ rau cải trồng trong thùng xốp vẫn chưa kịp cứng cáp. Không phải băn khoăn khi trồng loại cây có rễ cọc hay rễ chùm, thu hoạch ngắn ngày hay dài ngày, ăn lá hay ăn quả; nhiều khi chỉ cần hưởng bóng mát từ chúng là đủ thư thái mà khinh thường nhọc nhằn ngày tháng. Cũng chẳng khi nào sinh lòng ngờ vực láng giềng xung quanh, nếu lỡ có mất vài trái cây chín bói hoặc vài đọt rau non thì vẫn thấy vui, bởi cây trái mình trồng được đem đi làm ngọt miệng người khác.

Mình đã từng chứng kiến “di chứng của cơn thèm đất không được thỏa mãn” của những cư dân chuyên ở trọ. Ấn tượng nhất là chuyện một bà già sống với đứa cháu gái. Buồn chân buồn tay, bà xin ở sạp trái cây mấy cái thùng xốp rồi bòn mót được mớ đất ven hai bên lộ nhựa đổ vào để trồng mấy cây ớt, vài bụi hành ngò… Bà già cưng mớ rau của mình còn hơn đứa cháu. Hầu hết thời gian, bà dành cho việc lúi húi với mấy chiếc thùng xốp đặt ở khoảng nắng trước cửa phòng. Bà còn trò chuyện với tụi rau trong thùng, về nắng mưa, thời vụ, về cả những mùa màng từ thời nào xa lắc. Rau trồng tới kỳ thu hoạch bà chỉ dám rón rén hái một vài lá nêm nếm nồi canh chua, rắc dè sẻn cho ơ cá kho, như sợ lỡ mạnh tay sẽ làm chúng đau. Vậy mà chỉ một buổi bà đi vắng, chẳng biết “tụi bất nhơn” nào đã vặt trụi cả đám ngò gai trong thùng. Khi về tới nhìn thấy cảnh tượng tan hoang ấy, bà già giận đến mức thở muốn không ra hơi. Cả dãy phòng trọ, phòng nào bà cũng đi đến ngó nghiêng ngó ngửa hít hà coi có còn phảng phất mùi ngò gai của bà hay không. Rồi bà già dành cả buổi chiều để kể lể về công chăm chút đã bỏ ra và cũng khéo léo kèm theo vài lời nguyền rủa cái tụi ăn gì mà ăn tàn ăn mạt chẳng chừa lại chút gì để làm giống mùa sau.

Đứa cháu của bà sau đó phải tốn công phân bua để khỏi mất lòng mọi người rằng: hồi còn ở quê tánh tình của bà không phải như vậy, vườn tược mênh mông, trái chín oằn cây, ai muốn ăn thứ gì cứ vô hái thoải mái, bà luôn hào phóng chỉ cho hàng xóm biết cây ổi nếp mọc ở cuối góc ao là trái ngon nhất; cây xoài tượng đầu hè đừng hái vì có ổ ong vò vẽ; có trái mít nghệ ở cặp mương ranh hồi khuya đưa mùi thơm phức nhớ ghé ngang vác vô giùm để bà xẻ ra chia một miếng ăn lấy thảo… Chỉ từ hồi chú út giận anh chị em ruột, bán hết đất đai vườn tược để về ở bên vợ, bà mới thay tính đổi nết như bây giờ. Chứ mấy cọng ngò trong cái thùng nhỏ xíu đó có đáng gì đâu.

Rồi lúc lần thứ mấy không nhớ nổi, lúc mình dọn tới phòng trọ khác thì cũng là lúc người ở trước trở về mang đi một chiếc thùng xốp, trong đó chi chít trái chín. Chạm mặt mình, chị ngượng ngập phân bua: giống ớt hiểm này của bà già chồng đem từ quê lên cho, đi mà không đem theo sợ bả giận. Rồi chị đặt lại vài trái chín trên ghế đá trước cửa, nhờ mình chia cho mỗi phòng vài trái để làm giống. Điệu bộ, cử chỉ của chị dễ làm người khác diễn dịch thành ra lời nhắn nhủ: Tui đem cây ớt của tui đi rồi, mai mốt muốn ăn thì tự trồng lấy mà ăn nghen! Người đến ở sau chợt dậy lên lòng cảm thương cho người đang te tái chở cây ớt trong thùng xốp ra khỏi phòng trọ kia (và cả cho bản thân). Nếu “chỉ” có được khoảnh đất nho nhỏ thực sự của “chỉ”, để trồng lên đó vài mớ cây thì chắc cũng không đến “nỗi nào”, có khi còn nhắc người khác khi hái trái về ăn nhớ chừa phần cho chim chóc để chúng khỏi khản khổ tiếc mùa.

Và bây giờ, khi đang gieo một hạt cây, hạt chưa kịp bật mầm, mình đã thu về mùa của những người lỡ dở cuộc hẹn với đất đai.    


Nghĩ khi gieo hạt

Lê Minh Nhựt

(TBKTSG) – Để trở về đúng cái nơi đã rời đi, mình phải mất gần chục năm lang thang phòng trọ – trong khi đường về chưa đầy mười cây số. Như vậy là còn nhanh, bởi so với bạn bè từng học chung trường làng, có đứa lập gia đình mới vài năm đã bồng bế, dắt díu nhau đi miết mà vẫn chưa thấy về thăm quê xứ. Điện thoại hỏi thăm thì tụi trẻ trâu ngày nào đang còn tiếp tục làm cuộc thiên di, mà qua giọng nói thì đã nghe nhiều mỏi mê vạn lý. Nghe bạn thở than, nên chẳng dám khoe vừa mới cất xong cái nhà, vì sợ dậy cơn buồn tủi, rằng: mày giờ ngon rồi, chớ vợ chồng tao thì biết tới chừng nào…

Home
TT Sài Gòn
Đất
Tân Phú