Chuyển tới nội dung
Home » News » Quản trị » Người ta kinh doanh để làm gì?

Người ta kinh doanh để làm gì?

Rất nhiều người sẽ trả lời ngay rằng kinh doanh để kiếm tiền và kiếm thật nhiều tiền. Trên thực tế, sự thật không phải như vậy hay không đơn giản thế. Năm 2014, tạp chí hàng đầu Business Journals đã khảo sát 800 chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ, từ đó khái quát bốn lý do chính và cũng là bốn điều căn bản tạo nên động lực để con người khởi nghiệp và kinh doanh như sau:

Thứ nhất, kinh doanh để thỏa mãn niềm đam mê và trong bản thân nó chứa đựng tình yêu.

Ở đây không phải là đam mê tiền bạc một cách trần trụi mà là một lĩnh vực hay hoạt động nào đó; nó khiến người ta trăn trở tới mức ám ảnh và rồi sôi lên nhiệt huyết. Nói cụ thể hơn, đó chính là cái cách để kiếm tiền mà không phải là tiền. Chả thế mà khi dấn thân vào kinh doanh rồi thì nhiều người lãng quên luôn những người tình bằng xương, bằng thịt của mình.

Thứ hai, kinh doanh là tìm kiếm tự do và vị thế quyết định độc lập.

Đây là cái đích nhưng cũng là phẩm chất dễ thấy nhất của bất cứ doanh nhân nào. Không có tự do thì không có sáng tạo, và muốn doanh nghiệp của mình tồn tại được một cách lâu dài, doanh nhân buộc phải sáng tạo không ngừng. Bên cạnh đó là tính quyết đoán trong hành động và tinh thần dám chịu trách nhiệm. Nghe nói vậy dễ nhiều người sợ nhưng họ không biết rằng khi đạt tới vị thế như vậy rồi thì con người sẽ có hạnh phúc vô bờ bến, bởi mình được sống đúng với con người và cuộc đời của mình, một cách không lệ thuộc.

Thứ ba, kinh doanh là cách thức tạo lập và để lại các di sản vật chất và tinh thần của mình.

Nếu ai đó chỉ muốn có tiền, dù rất nhiều tiền, nhưng chỉ để chi tiêu cho bản thân thì chắc chắn người đó không thể kinh doanh thành công. Bạn phải thật sự có tham vọng và ước mơ làm được điều gì đó to lớn hơn và có thể đo đếm được cho mục đích để lại cho đời, trước hết cho con, cháu mình. Thế nên, hãy nhìn những doanh nhân thành đạt ở đỉnh cao, có thấy mấy người “ăn chơi, hưởng lạc” đâu? Họ bận suốt ngày và chỉ xả hơi khi mệt mỏi, thậm chí vẫn làm việc kể cả trong khi nghỉ.

Thứ tư, kinh doanh là chấp nhận dấn thân vào mọi thử thách, coi thương trường như chiến trường và đổi lại là hy vọng và niềm vui chiến thắng.

Chả thế mà rất nhiều người nước ngoài đã đến Việt Nam, hay những nước khác còn nhiều khó khăn hơn để kinh doanh. Bởi đơn giản, nhà kinh doanh luôn luôn nhìn đời lạc quan và họ dễ dàng tìm thấy cơ hội trong cái khó khăn và thử thách. Điều thú vị ở chỗ: đương nhiên có nhiều nhà kinh doanh sau đó thất bại, nhưng rồi rất ít người từ bỏ mà phần nhiều lại đứng dậy và thử tiếp, cho tới khi thành công hoặc không còn cơ hội.

Home
TT Sài Gòn
Đất
Tân Phú